Lý thuyết Dow

Đối với một nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp thì lý thuyết Dow là một cái tên vô cùng quen thuộc. Một trong những lý thuyết nền tảng cơ bản nhất của mọi nghiên cứu về phân tích kỹ thuật trên thị trường – Lý thuyết Dow được các nhà đầu tư coi trọng và áp dụng vô cùng phổ biến và rộng rãi để có thể đưa ra những phân tích, giải thích và nhiều dự đoán kiên định về các xu hướng của thị trường tài chính nói chung và trong thị trường chứng khoán nói riêng. Việc nắm vững được lý thuyết, chính là nắm vững được tương lai, nắm giữ những cơ hội đầu tư tiềm năng, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp và đúng đắn nhất trong quá trình giao dịch. Vậy lý thuyết Dow là gì? Có nguồn gốc từ đâu? Nội dung như thế nào? Việc áp dụng lý thuyết Dow có những lợi ích và rủi ro nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những câu chuyện, những nguyên lý hay những vấn đề có trong lý thuyết Dow nhé!

Sơ lược

Ban đầu, chính Charles H. Dow đã hình dung ra được những điều đặc biệt về lý thuyết này, bằng chứng là hàng loạt bài đăng của ông trên Wall Street Journal – một tờ báo do chính ông lập nên, đã thể hiện được niềm tin của ông về cách thức phản ứng của thị trường chứng khoán cũng như cách đo lường sức khỏe của thị trường tài chính. Ông đã phát triển một loạt các nguyên tắc để hiểu và phân tích hành vi thị trường. Tuy nhiên, khi mọi công việc còn đang dở dang thì ông đã qua đời, thế nên, một trong số các cộng sự của Dow, là William P. Hamilton – người thay ông giữ chức biên tập của tờ Wall Street Journal đã tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, sau đó cho ra đời lý thuyết Dow. Đây là một lý thuyết vô cùng nổi tiếng trong thị trường chứng khoán, và đây cũng chính là nền tảng cho trường phái phân tích kỹ thuật phát triển như hiện nay. 

Khái niệm

Lý thuyết Dow về biến động giá cổ phiếu là một dạng phân tích kỹ thuật bao gồm một số khía cạnh của sự luân chuyển ngành. Lý thuyết này được bắt nguồn từ 255 bài xã luận trên The Wall Street Journal được viết bởi Charles H. Dow (1851–1902), nhà báo, người sáng lập và biên tập viên đầu tiên của The Wall Street Journal và đồng sáng lập của Dow Jones and Company. Sau cái chết của Dow, William Peter Hamilton, Robert RheaE. George Schaefer đã tổ chức và đại diện chung cho lý thuyết Dow, dựa trên các bài xã luận của Dow.

Tại sao lại là lý thuyết Dow?

Lý thuyết Dow được xem như là một nền tảng, một cơ sở hệ thống đầu tiên cho mọi nghiên cứu trên thị trường. Nó là nền móng cho việc phát minh ra các phương pháp phân tích kỹ thuật sau này. Thế nên để có thể nắm bắt được các phương pháp phân tích kỹ thuật về sau tốt hơn thì ta cần phải nắm rõ lý thuyết nền tảng này.

Sáu nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow

  • Thị trường phản ánh tất cả
  • Ba xu hướng của thị trường
  • Các xu hướng thị trường gồm có 3 giai đoạn
  • Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau
  • Xu hướng được xác nhận bởi khối lượng giao dịch (volume)
  • Các xu hướng tồn tại đến khi có những tín hiệu cho thấy chúng đã kết thúc

Thị trường phản ánh tất cả

Lý thuyết Dow hoạt động dựa trên giả thuyết thị trường hoạt động hiệu quả. Tất cả thông tin (bao gồm từ cảm xúc nhà đầu tư cho đến các dữ liệu như lãi suất, tỷ lệ lạm phát…) – từ quá khứ, hiện tại, thậm chí là tương lai, các yếu tố này đều gây ảnh hưởng tới thị trường. Trong đó, giá cả phản ánh tất cả mọi thông tin đó. Giá sẽ phản ánh “ngay lập tức” những tin tức được phát hành và cả những lời đồn thổi thông qua việc biến đổi trước đó. Hiện tượng này còn hay được gọi là “Mua tin đồn – Bán sự thật”.

“Mua tin đồn – Bán sự thật” – một lời khuyên đến từ các nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán từ lâu đời. Câu nói này có liên quan đến một tình huống đó chính là giá của một cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng cao do được nhiều nhà đầu tư mua vào khi họ nghe được một tin đồn “nội bộ” nào đó. Giới đầu tư sẽ bắt tay vào quá trình mua cổ phiếu với niềm tin rằng những tin đồn này cuối cùng cũng sẽ trở thành sự thật và nhờ đó, họ sẽ kiếm được một phần lợi nhuận lớn. Đó là “mua tin đồn”. Sau khi các tin đồn bị vỡ lẽ chỉ là những tin tức giả, các công ty mà họ đầu tư trái ngược lại với những gì họ đã nghĩ, điều này sẽ khiến mọi người bắt đầu bán số lượng lớn cổ phiếu vì họ không còn niềm tin rằng giá cổ phiếu này sẽ tăng lên. Đó chính là “bán sự thật”. Tuy nhiên, đối với những trader (nhà đầu tư ngắn hạn) khéo léo, điều họ sẽ làm là đặt giao dịch trên một dự đoán về một tin tức sắp được công bố và chọn thời cơ để “đánh nhanh thắng nhanh”.

Ba xu hướng của thị trường

Xu hướng lớn (Primary movement): xu hướng này rất dài, thường đều kéo dài từ một năm đến vài năm. Các xu hướng này diễn ra không theo một chu kỳ nào. Điều đó cũng khiến cho các tổ chức lớn khó mà thao túng.

  • Xu hướng lớn là xu hướng tăng: cứ sau 1 đà tăng lại có 1 đà giảm và ngược lại. Mục đích là để kéo thụt lùi hay ngăn chặn không cho đà tăng đó tiếp tục phát triển thì “kẻ phá bĩnh” là xu thế trung bình được ra đời. Xu hướng lớn tăng này chỉ tiếp diễn khi và chỉ khi có các “đỉnh cao hơn” và “đáy cao hơn”.
  • Xu hướng lớn là xu hướng giảm, ngược lại với xu hướng tăng, các đỉnh và các đáy sẽ thấp hơn.

Xu hướng trung bình (Medium swing): Xu hướng này thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng. Chúng là những đợt suy giảm tạm thời (trung gian) hay còn gọi là những điều chỉnh xuất hiện ở các thị trường bò; hoặc những đợt tăng giá hay còn gọi là hồi phục xuất hiện ở các thị trường gấu. Xu hướng này luôn đi ngược lại với xu hướng lớn.

* Thị trường bò: thị trường đang trong giai đoạn tăng giá

* Thị trường gấu: thị trường đang trong giai đoạn giảm giá

Xu hướng nhỏ (Minor movements): Đây là xu hướng nhỏ nhất theo Lý thuyết Dow, nó thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến dưới 1 tháng. Vì tính chất ngắn hạn, xu hướng này có khả năng bị thao túng là rất cao đối với những nhóm người hoặc tổ chức lớn. Xu hướng này thường đi ngược lại với xu hướng trung bình.

Các xu hướng thị trường gồm có 3 giai đoạn

Lý thuyết Dow phát biểu rằng khi có xu hướng tăng chính (thị trường bò tót) thường có 3 giai đoạn gồm:

  • Tích lũy (Accumulation): Giai đoạn này thị trường di chuyển chậm, rất chậm, gần với mức tối thiểu. Ở giai đoạn này, các nhà giao dịch ít thông tin thường hoảng loạn vì sự dịch chuyển của dòng tiền rất chậm. Tuy nhiên đối với smart money (dòng tiền thông minh – ở đây ám chỉ những nhà đầu tư với tâm lý bình tĩnh xử lý trước các diễn biến của thị trường) thì đây là một cơ hội lớn, họ âm thầm mua vào hết những cổ phiếu từ những người đang bán tháo.
  • Tham gia công chúng: Tình trạng chung của thị trường vào thời khắc này là hy vọng đi đôi với lạc quan. Lúc này, gần như tất cả những người tham gia thị trường đều đã dần nhận ra những chuyển động có xu hướng tăng của giá và bắt đầu mua vào.
  • Dư thừa: Tình trạng của thị trường trong giai đoạn này chính là hưng phấn. Nhờ vào các phương tiện truyền thông mà những người tham gia vào thị trường đã biết chắc được rằng thị trường đang có xu hướng tăng trưởng và họ sẽ mua vào dồn dập. Giá cổ phiếu của giai đoạn này sẽ rơi vào mức đỉnh điểm.

Tương tự, khi xu hướng giảm chính (thị trường gấu) cũng có 3 giai đoạn xảy ra gồm:

  • Phân phối: Trong khi dòng người đổ xô mua vào ồ ạt thì smart money, dòng tiền đã mua vào ở giai đoạn thị trường tích lũy sẽ bắt đầu bán cho dòng người mua đông đảo lúc bấy giờ, từ đó thu về một khoản lợi nhuận lớn. Ngược lại, những người mua cổ phiếu trong thời gian này sẽ trở thành những người “đu đỉnh” và cơ hội để thoát “hàng” trở nên rất nhỏ bé.
  • Tham gia công chúng: Các tin tức xấu về thị trường cổ phiếu được lan truyền mạnh mẽ. Do đó, số lượng cổ phiếu được bán ra ngày càng nhiều. Vào thời điểm này, những người “đu đỉnh” ở giai đoạn “dư thừa” sẽ bắt đầu bán tháo. Điều đó dẫn đến việc mang về lỗ nặng trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có một số người “gồng” lỗ vì họ có niềm tin là cổ phiếu sẽ tăng trở lại.
  • Tuyệt vọng: Trong giai đoạn này, nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn và tuyệt vọng do thị trường hiện đang có một màu xám xịt. Họ đều có tâm lý tiêu cực với những hy vọng nhỏ nhoi về công ty, về nền kinh tế và về cả thị trường. Do đó, họ chỉ mong được thoát hàng càng sớm càng tốt mà không quan tâm đến giá cả. Tuy nhiên đây cũng là một dấu hiệu thị trường sẽ tăng trở lại vì các dòng smart money lại bắt đầu mua từ giai đoạn này.

market-cycle

Nguyên lí 2,3 theo xu hướng tăng, tương tự cho xu hướng giảm

Chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau

Trong lý thuyết Dow, việc đảo chiều từ xu hướng tăng dài hạn sang xu hướng giảm dài hạn không thể nào được xác nhận nếu không có sự xác nhận từ 2 chỉ số (theo truyền thống là Chỉ số trung bình công nghiệp và đường sắt Dow Jones). Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của các chỉ số này phải tương ứng với các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của các chỉ số khác. Nếu chỉ số này chỉ xu hướng tăng nhưng các chỉ số khác lại chỉ xu hướng giảm thì chúng ta cần nghiên cứu kĩ lại.

Xu hướng được xác nhận bởi khối lượng giao dịch (volume)

Theo lý thuyết Dow, các tín hiệu để mua và bán đa phần đều dựa trên biến động giá. Vì thế, khối lượng giao dịch cũng trở thành một chỉ báo để xác nhận những gì thị trường trường đang hướng đến cho các nhà đầu tư. Nhờ khối lượng mà nhà đầu tư biết được xu hướng này có đang mạnh hay không. Ta thấy rằng, trong xu hướng giá tăng dài hạn, khối lượng giao dịch sẽ tăng theo khi giá dịch chuyển theo xu hướng đó và giảm khi giá giảm. Và ngược lại đối với xu hướng giảm dài hạn. Bên cạnh đó, trong trường hợp khối lượng chạy ngược với xu hướng (giá tăng nhưng khối lượng giảm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng) đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.

volume-confirmation

Nguồn: VnUptrend

Các xu hướng tồn tại đến khi có những tín hiệu cho thấy chúng đã kết thúc

Việc xác định xu hướng là để cho chúng ta không đi ngược chiều lại với xu hướng gây đầu tư sai lệch. Nguyên lý này tin rằng một xu hướng vẫn còn hữu hiệu cho đến khi càng nhiều dấu hiệu xuất hiện cho thấy nó đã bị đảo chiều. Do đó, các nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi hết những dấu hiệu này để có một cái nhìn tổng quát về việc đảo ngược xu hướng. Do có nhiều xu hướng nhỏ như ở nguyên lý 2 đã nói, các xu hướng này rất dễ khiến nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn và vội vàng đưa ra quyết định trong khi chưa biết chắc được đó là xu hướng chính hay chỉ là sự điều chỉnh xu hướng.

Hạn chế của nguyên lý Dow

Ngoài những mặt tích cực mà lý thuyết Dow mang lại nó vẫn còn một số hạn chế như sau:

  • Những dấu hiệu mà nguyên lý mang đến được đưa ra khá trễ. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ đi nhiều cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, nếu nắm bắt kịp thời, lý thuyết Dow sẽ mang lại một khoản lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
  • Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng luôn đúng. Bởi lẽ lý thuyết được hình thành dựa trên quan sát những sự kiện xảy ra trong quá khứ, một hành động nào đó của nhà đầu tư trên thị trường cứ lặp đi lặp lại khiến người ta tin rằng điều đó đúng. Nhưng đôi khi nó không đúng trong tương lai nữa, như có thể có một vài sự kiện bất ngờ xảy ra khiến con người ta không thể lường trước được.
  • Lý thuyết Dow thường làm cho các nhà đầu tư rơi vào trạng thái băn khoăn. Sự nhầm lẫn giữa các xu hướng cấp 1, cấp 2 và cấp 3 làm cho các nhà đầu tư hoang mang. Bên cạnh đó, các chỉ số cũng gây nhiễu loạn đến họ vì không thể lúc nào các chỉ số cũng đều chỉ ra một xu hướng chung rõ ràng. Tuy nhiên, hạn chế này thường xảy ra chủ yếu là do các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn nên không thể nhìn rõ thị trường hiện tại.

Kết luận

Nói tóm lại, lý thuyết Dow thực sự rất quan trọng đối với một nhà đầu tư đặc biệt là người mới tham gia thị trường. Lý thuyết Dow chính là cơ sở để phát triển các lý thuyết khác trong thị trường chứng khoán mà trong đó có các phương pháp phân tích kỹ thuật. Cách bạn hiểu được lý thuyết này chính là cách để bạn gia nhập thị trường.

 


0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Here can be your custom HTML or Shortcode

This will close in 0 seconds