“Mây Ichimoku” dựa trên việc sử dụng nhiều đường chỉ báo ở trên biểu đồ nến để tăng độ chính xác cho những dự báo về giá cả của cổ phiếu ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, từ đó có thể lựa chọn điểm mua và bán sao cho phù hợp. Ichimoku là một công cụ mạnh, có thể sử dụng một cách riêng biệt mà không cần kết hợp với một phương pháp phân tích kỹ thuật nào khác.
1. Khái niệm
Cái tên Ichimoku Kinko Hyo, theo tiếng Nhật có ý nghĩa như sau:
- Ichimoku: “Trong nháy mắt” hay “Một cái nhìn thoáng qua”
- Kinko: Cân bằng
- Hyo: Biểu đồ.
Vậy chúng ta có thể hiểu ý nghĩa tổng thể của cái tên này là: “Sự cân bằng của biểu đồ trong nháy mắt” hay “Một cái nhìn thoáng qua về sự cân bằng của biểu đồ”
Ichimoku Kinko Hyo (hay chúng ta cũng có thể gọi một cách ngắn gọn là Ichimoku hay Ichimoku Cloud) là một chỉ báo kỹ thuật dựa trên việc sử dụng nhiều đường chỉ báo ở trên biểu đồ nến để tăng độ chính xác cho những dự báo về giá cả của cổ phiếu ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, từ đó có thể lựa chọn điểm mua và bán sao cho phù hợp.
2. Nguồn gốc
Hệ thống Ichimoku do Goichi Hosoda, một nhà báo người nhật sáng tạo ra vào những năm 1930. Đây một quá trình nghiên cứu vô cùng kỳ công và được sự hỗ trợ của rất nhiều người: Hosoda đã dành đến 4-5 năm trời cùng với sự tính toán của hơn 2000 sinh viên chỉ để cho ra một chỉ báo toàn tập với những con số cơ bản và cực kỳ quan trọng là 9; 17; 26 mà chúng ta vẫn thường dùng trong chỉ báo Ichimoku ngày nay. Nhưng mãi đến những năm 1960 thì phương pháp này mới được công bố lên báo và sử dụng rộng rãi.
3. Cấu tạo
Thoạt nhìn thì hệ thống Ichimoku có vẻ phức tạp. Khi áp dụng hệ thống này vào biểu đồ, màn hình giao dịch xuất hiện nhiều chỉ báo với các màu sắc khác nhau khiến cho những người lần đầu tiếp xúc cảm thấy rối mắt và không hiểu chúng dùng để làm gì. Nhưng khi đã tìm hiểu thì hệ thống chỉ báo này cũng không quá khó và còn rất hữu ích trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Chỉ báo Ichimoku được cấu tạo từ ba lớp: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Lớp quá khứ là đường Chikou Span (Đường trễ). Lớp hiện tại gồm đường Tenkan-sen (đường chuyển đổi) và đường Kijun-sen (đường tiêu chuẩn). Lớp tương lai chính là đám mây Kumo (là sự kết hợp giữa Senkou Span A và Senkou Span B).
Đặc biệt cần lưu ý, Ichimoku sử dụng theo thời gian ngày chứ không phải 1 giờ hay 4 giờ.
Và Ichimoku Cloud là sự kết hợp của 5 đường chỉ báo sau:
3.1. Tenkan-sen (Conversion Line – Đường chuyển đổi)
Công thức: (Giá cao nhất trong 9 ngày + Giá thấp nhất trong 9 ngày)/2
- Lưu ý: giá cao nhất/thấp nhất trong 9 ngày chứ không phải trong mỗi ngày.
* Fact: Thực ra những công thức này chúng ta có thể không cần nhớ. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng ta nắm rõ, để có thể hiểu và vận dụng được nó một cách tốt nhất.
Khá giống đường trung bình động MA (link chuyên đề 3) , tuy nhiên đường MA sử dụng giá đóng cửa, còn Tenkan-sen sử dụng dữ liệu trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất
Đường Tenkan – Line là đường bám sát giá nhất trong số 5 đường trong hệ thống Ichimoku Cloud, đóng vai trò hỗ trợ, kháng cự (link chuyên đề 3) trong một thời gian khá ngắn.
3.2. Đường Kijun-sen (Baseline – Đường tiêu chuẩn)
Công thức: (Giá cao nhất trong 26 ngày + Giá thấp nhất trong 26 ngày)/2
Đường Kijun – sen đóng vai trò hỗ trợ, kháng cự trong trung hạn vì thời gian là 26 ngày (trong khoảng gần 1 tháng)
* Tại sao lại là 9 ngày và 26 ngày. Ban đầu hệ thống Ichimoku chủ yếu được sử dụng trên đồ thị ngày. Ở Nhật, thời gian làm việc 1 tuần là từ thứ 2 đến thứ 7 (tương đương với 6 ngày). Cho nên chu kỳ 9 ngày tương đương một tuần rưỡi tuần làm việc và 26 ngày là tương đương với một tháng làm việc chuẩn.
* Note: Sự khác nhau giữa đường Kijun-sen, Tenkan-sen và đường trung bình động MA
- Đường Kijun-sen và Tenkan-sen: Là trung bình của Đỉnh và Đáy trong 26 ngày và 9 ngày (tức là đường nối các điểm trung bình của mỗi 26 ngày và 9 ngày lại với nhau ta được đường Kijun-sen và Tenkan-sen) → Vì thế nên đồ thị bị gấp khúc (do các điểm nối không được mau)
- Đường trung bình động MA: Ví dụ đường trung bình MA20: là trung bình giá trong 20 phiên liên tiếp (tức đường nối các điểm trung bình đỉnh và đáy của từng cây nến trong 20 phiên liên tiếp) → Vì thế mà đồ thị của đường MA cong và mượt hơn (do các điểm nối mau hơn nhiều)
3.3. Chikou Span (Đường trễ)
Công thức:
Chikou Span = giá đóng cửa của hiện tại dịch chuyển về trước 26 phiên
Cho nên, Chikou cho phép các nhà giao dịch nhìn rõ mối quan hệ giữa giá của hiện tại với giá của quá khứ để từ đó có thể suy đoán được giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng như thế nào. Vì lẽ đó Chikou cũng được xem là đường thể hiện quán tính hay động lượng (momentum) của giá.
3.4. Senkou Span A (Đường dẫn)
Tương tự Senkou Span A – thành phần tiếp theo tạo ra hệ thống Ichimoku cũng được sử dụng để đo lường động lượng và cung cấp các ý tưởng giao dịch dựa trên các mức hỗ trợ và kháng cự.
Công thức: Senkou Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen)/2 dời lên trước 26 phiên
Cho nên dù Senkou Span A sử dụng dữ liệu giá trong quá khứ nhưng nó lại mang tính dự đoán vì các giá trị của nó được vẽ trên biểu đồ, chúng sẽ hiển thị các mức hỗ trợ hoặc kháng cự, được kỳ vọng trong tương lai.
3.5. Senkou Span B (Đường dẫn)
Các giá trị của Đường dẫn B được tính tương tự như Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng với chu kỳ dài hơn là 52 phiên. Và đường Senkou Span B cũng được dời lên phía trước 26 phiên như Senkou Span A.
Công thức:
Senkou Span B = (Giá cao nhất trong 52 chu kỳ gần đây + Giá thấp nhất trong 52 chu kỳ gần nhất)/2, dời lên trước 26 phiên
3.6. Mây Kumo
Vùng ở giữa 2 đường Senkou Span A và Senkou Span B chính là vùng mây Kumo được sử dụng để dự báo giá trong tương lai
-
Cách cài đặt Ichimoku trên TradingView
Bước 1: Truy cập https://www.tradingview.com/, mở chế độ “Chart”, và chọn mã chứng khoán mà bạn muốn theo dõi.
Bước 2: Chọn chỉ báo (Indicator) trên thanh công cụ và tìm “Ichimoku Cloud”
Bước 3: Dùng “Cài đặt” để điều chỉnh chỉ báo phù hợp với mục đích của bạn
5. Những ứng dụng chính của Ichimoku vào giao dịch
5.1. Xác định kháng cự, hỗ trợ
Ta có thể xem các đường Tenkan-sen, Kijun-sen, Senkou Span A, Senkou Span B là bốn đường kháng cự hoặc hỗ trợ động cho giá. Sức mạnh của các đường này theo thứ tự tăng dần là Tenkan-sen, Kijun-sen, đường Senkou Span gần đường giá hơn và đường Senkou Span còn lại. Đám mây Kumo cũng có thể được xem như vùng kháng cự hay hỗ trợ, đám mây càng dày đồng nghĩa với vùng đó càng mạnh và ngược lại đám mây càng mỏng thì vùng đó càng yếu, giá có thể dễ dàng xuyên qua.
5.2. Xác định sức mạnh xu hướng
Xu hướng tăng có thể tiếp diễn khi đường giá và đường Chikou Span nằm trên mây Kumo xanh.
Xu hướng giảm có khả năng tiếp tục khi đường giá và đường Chikou Span nằm trên mây Kumo đỏ.
Các đường và mây có độ dốc càng lớn thể hiện sức mạnh của xu hướng hiện tại càng lớn và có thể sẽ tiếp diễn trong trương lai.
5.3. Xác định điểm vào lệnh
5.3.1. Giao cắt giữa Tenkan-sen và Kijun-sen
Khi đường Tenkan-sen cắt đường Kijun-sen theo hướng từ dưới lên cho tính hiệu mua. Điểm giao cắt xảy ra trên đám mây Kumo thể hiện tính hiệu mạnh, điểm giao cắt xảy ra trong mây thể hiện tính hiệu trung bình và điểm giao cắt xảy ra dưới mây thể hiện tính hiệu yếu.
Khi đường Tenkan-sen cắt đường Kijun-sen theo hướng từ trên xuống cho tính hiệu bán. Điểm giao cắt xảy ra dưới đám mây Kumo thể hiện tính hiệu mạnh, điểm giao cắt xảy ra trong mây thể hiện tính hiệu trung bình và điểm giao cắt xảy ra trên mây thể hiện tính hiệu yếu.
5.3.2. Mây đổi màu
Khi Senkou Span A cắt Senkou Span B từ dưới lên mây Kumo sẽ chuyển màu từ đỏ sang xanh. Lúc này ta có tính hiệu mua. Tính hiệu mua càng được củng cố khi giá nằm trên mây.
Khi Senkou Span A cắt Senkou Span B từ trên xuống mây Kumo sẽ chuyển màu từ xanh sang đỏ. Lúc này ta có tính hiệu bán. Tính hiệu bán được củng cố khi giá này nằm dưới mây.
5.3.3. Giá xuyên qua mây
Đám mây Kumo đóng vai trò vùng hỗ trợ hoặc kháng cự. Mây càng dày chứng tỏ vùng hỗ trợ hoặc kháng cự càng mạnh. Khi giá xuyên lên trên mây báo hiệu nhà đầu tư nên mua. Khi giá xuyên xuống dưới mây báo hiệu nhà đầu tư nên bán. Khi giá xuyên qua đám mây dày chứng tỏ phe đang chiếm ưu thế có sức mạnh rất lớn, tiếp tục hướng tới các mức thử thách tiếp theo.
6. Thực chiến
Disclaimer: Việc đưa ra những phân tích sau không nhằm mục đích nào khác ngoài giúp người đọc hình dung rõ hơn về cách ứng dụng hệ thống Ichimoku vào giao dịch thực tế.
Chúng ta sẽ áp dụng hệ thống Ichimoku vào mã MWG (Thế giới di động) và theo dõi trong giai đoạn từ cuối tháng 5 năm 2021 đến cuối tháng 1 năm 2022 để thấy được hiệu quả trên thực tế của hệ thống này.
(1) Xu hướng tăng của cổ phiếu đang diễn ra giá chạm 50 sau đó quay đầu đi vào mây chạm đường Senkou Span B và đi sideway trong biên độ hẹp khoảng 12 phiên. Đường Senkou Span B tại đây là một đoạn nằm ngang thể hiện mức trung bình này được duy trì trong một khoảng thời gian càng củng cố cho tính vững của hỗ trợ.
(2) Sau khi đi sideway xong thì giá tiếp tục tăng đồng thời cũng xuất hiện tín hiệu đường Tenkan-sen cắt đường Kijun-sen theo hướng từ dưới lên, giá cũng đang di chuyển phía trên đám mây. Đường Chikou Span cắt đường giá từ dưới lên cho thấy sự cải thiện của giá hiện tại so với quá khứ (26 phiên trước). Tại đây ta có điểm mua tương đối thuận lợi.
(3) Sau một đợt tăng mạnh, biểu hiện bởi độ dốc lớn của đường giá thì giá bắt đầu tích lũy và đi sideway trong vùng 52-60. Giá hai lần chạm vùng 60 nhưng phe mua không đủ lực để đẩy thị trường lên tiếp nên quay lại test vùng hỗ trợ 52. Lần thứ ba giá chạm vùng 52 và cũng đồng thời là vùng đường Senkou Span B nằm ngang (vùng hỗ trợ tương đối mạnh), giá chạm Senkou Span B lập tức bật lên trở lại và tiếp diễn xu hướng tăng. Tại đây đường Senkou Span B giúp ta xác định được mức hỗ trợ rõ ràng, không hoảng loạn khi thấy giá giảm.
(4) Xuất hiện ba nến giảm liên tục đây là một tín hiệu xấu, thông báo rằng giá có khả năng bắt đầu xu hướng giảm. Nhưng khi giá chạm mây hình thành nến rút chân và đi ngang trong một khoảng thời gian. Đám mây Kumo tại đây là một đám mây dày đóng vai trò là vùng hỗ trợ cứng nên giá chưa thể xuyên qua.
(5) Đám mây mỏng dần, giá đi xuyên qua xuống dưới mây. Đường Tenkan-sen cắt đường Kijun-sen theo hướng từ trên xuống, mây Kumo cũng chuyển từ màu xanh sang đỏ. Những tín hiệu này hợp lại cho ta thấy xu hướng tăng đã suy yếu. Tại vùng này chúng ta có thể cân nhắc việc chốt lời.
-
Kết luận
Như đã nói ở trên, “mây Ichimoku” là một công cụ mạnh, có thể sử dụng một cách riêng biệt mà không cần kết hợp với một phương pháp phân tích kỹ thuật nào khác. Nhưng có thể trong 1 vài trường hợp, chỉ báo này có thể không đúng. Phân tích kỹ thuật thực chất cũng hình thành từ việc các nhà chuyên gia phân tích thị trường một thời gian và có một vài hành động của con người cứ lặp đi lặp lại, nên người ta mới hình thành nên các lý thuyết đó. Tuy nhiên, tâm lý của con người trên thị trường cũng đôi lúc sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, nên sẽ có những phản ứng khác nhau. Nên chúng ta cũng cần phải quan sát, phản ứng nhạy bén những tin tức liên quan đến vĩ mô xung quanh mình.
Bên cạnh đó, ta có thể thể điều chỉnh chu kỳ (ngày) để có những trải nghiệm, góc nhìn cá nhân. Tuy nhiên, đối với những người mới tham gia thị trường, khi chúng ta chưa có đủ những trải nghiệm thì khó lòng có thể so sánh hiệu quả của các chỉ báo sử dụng các mốc thời gian khác nhau. Cho nên điều cần làm vẫn là thực hành thuần thục với số chu kỳ mặc định trước.
Đôi lời với độc giả
Đây là chuyên đề cuối trong chuỗi phân tích kỹ thuật mà chúng mình viết nên để hỗ trợ các Newbie… Và mình muốn nhắn nhủ các bạn là không phải khi nào trong phân tích kỹ thuật chúng ta cũng sử dụng hết các phương pháp như nến nhật; kháng cự, hỗ trợ; …Đôi khi chỉ cần chúng ta dùng một trong số đó cũng có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Và ngoài những phương pháp kể trên bạn cũng có thể dùng thêm một số phương pháp khác nữa. Chỉ cần bạn sử dụng thành thạo công cụ mà bạn đang dùng, nó vẫn sẽ rất hiệu quả trên thị trường chứng khoán đấy.
Ngoài các kiến thức về chứng khoán, bạn cũng hãy tự mình tìm hiểu về đầu tư và tài chính để chúng ta có một cái nhìn bao quát hơn nữa nhé!
Cuối cùng mình xin chúc các bạn có một ngày thật tốt lành. Chúng mình hi vọng bạn sẽ thích các chuyên đề trong chuỗi phân tích kỹ thuật này. Và đừng quên hãy thực hành thật nhiều để xem phương pháp phân tích kỹ thuật nào mang lại hiệu quả lớn nhất cho bạn nhé! Practice makes perfect!!!
References:
Sách “Hệ thống giao dịch Ichimoku Charts” Nicole Elliott (Biên dịch: Thái Phạm và Nguyễn Xuân Hiếu)
Penjelasan Mengenai Ichimoku Cloud Là Gì, Cách Sử Dụng Công Cụ Ichimoku Trong Giao Dịch.
[HD chi tiết] Cách sử dụng mây ichimoku trong chứng khoán
Ichimoku là gì? Cách giao dịch với Ichimoku nâng cao toàn tập
Ichimoku là gì? Cách sử dụng chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo nâng cao
Phần 3: Chikou, Senkou Span A, Senkou Span B và mây Kumo
Người viết:
Cao Yến Nhi (Leader)
Nguyễn Xuân Nam
0 Bình luận