Tài chính định lượng là gì?

Tài chính định lượng (Quantitative Finance hay Mathematical Finance) là một mảng của toán học ứng dụng vào thị trường tài chính, ứng dụng các mô hình toán học nhằm dự báo, định giá giá trị chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư; quản trị rủi ro tài chính hay giao dịch tự động.

Cần phân biệt rõ ràng giữa tài chính định lượng với một ngành khác dễ gây nhầm lẫn là kinh tế tài chính (financial economics). Sự khác biệt cơ bản thể hiện qua ví dụ so sánh:

Các nhà kinh tế tài chính nghiên cứu các lý do tại sao giá cổ phiếu của công ty lại biến động do các yếu tố khác.

Các nhà tài chính định lượng lại tìm cách định giá hay dự báo giá trị cổ phiếu công ty trong tương lai bằng các mô hình và công cụ toán học hiện đại.

Lịch sử của tài chính định lượng

Lịch sử của tài chính định lượng gắn liền với sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên: toán học, vật lý học, tin học.

Những ứng dụng đầu tiên của toán học là lý thuyết tối ưu hóa danh mục của Harry Markowitz. Sử dụng ước tính trung bình phương sai của các danh mục để đánh giá chiến lược đầu tư làm thay đổi hoàn toàn cách làm trước đó là cố gắng tìm kiếm một cổ phiếu riêng lẻ tốt nhất để đầu tư. Hay sử dụng hồi quy tuyến tính để hiểu rõ và định lượng rủi ro (như phương sai) và lợi nhuận (như giá trị trung bình) của toàn bộ cổ phiếu và trái phiếu, chiến lược tối ưu hóa đã được sử dụng để chọn danh mục đầu tư với lợi nhuận trung bình lớn nhất với mức độ rủi ro (phương sai) chấp nhận được. Đồng thời, William Sharpe đã phát triển công cụ toán học xác định mối quan hệ giữa mỗi cổ phiếu và thị trường cùng với các đồng sự. Do đó năm 1990, Markowitz, Sharpe cùng với Merton Miller đã được trao giải nobel kinh tế. Trong thời gian này toán học trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Nhờ những cống hiến của Robert Merton và Paul Samuelson những mô hình một thời điểm đã được thay thế bởi các mô hình thời gian liên tục, mô hình chuyển động Brown.

Cuộc cách mạng quan trọng tiếp theo trong ngành tài chính định lượng là công trình mô hình hóa thị trường tài chính của Fischer Black và Myron Scholes cùng với những đóng góp nền tảng của Robert C.Merton. Scholes và Merton đã được trao giải nobel kinh tế năm 1997.

Các mô hình toán học tinh vi, phức tạp và chiến lược định giá sản phẩm phái sinh đã được phát triển liên tục nhưng tính đảm bảo an toàn đã bị phá hủy bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2010. Tuy nhiên, nhiều tổ chức trong lĩnh vực tài chính vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các phương pháp và lý thuyết hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực vật lý, Bachelier là người đầu tiên tìm cách “định lượng” chuyển động Brown (chuyển động của hạt nhỏ li ti trong nước hay của các phân tử chất khí trong không khí) vào năm 1900 và được coi là cha đẻ của ngành toán tài chính hiện đại. Ông đã phát triển lý thuyết toán để nghiên cứu các quá trình ngẫu nhiên, lý thuyết mà sau này được tái khám phá bởi Einstein. Ngày nay mô hình chuyển động Brown dựa trên lý thuyết xác suất thống kê chính là mô hình chuẩn và nền tảng trong việc dự báo giá chứng khoán, lãi suất trái phiếu, rủi ro đầu tư trong tài chính hiện đại.

Sự bùng nổ mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học máy tính cuối thế kỷ 20 làm nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển ngành tài chính định lượng. Các máy tính với tốc độ xử lí tăng theo định luật Moore(*) là công cụ mạnh mẽ và không thể thay thế để thực thi các mô hình, các dự báo tài chính. Ngoài ra nhiều máy tính, hệ thống quản lí điện tử đã được đưa vào ứng dụng ở các sở giao dịch chứng khoán như NYSE (New York Stock Exchange) những năm 1970 và từ năm 1980 xuất hiện hình thức giao dịch tự động (algorithmic trading hay automated trading), đặc biệt là giao dịch tần số cao HFT (high- frequency trading). Hệ thống giao dịch tự động sử dụng các thuật toán (algorithm) do các nhà tài chính định lượng viết ra cho các máy tính tự động giao dịch liên tục nhằm tối ưu hóa lợi nhuận bằng chênh lệch giá.

Còn tiếp….


0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Here can be your custom HTML or Shortcode

This will close in 0 seconds