Nếu bạn là nhà đầu tư chứng khoán thì hãy tự hỏi xem liệu mình đã từng “dính” chưa? Dính cái hội chứng FOMO, hội chứng mà được nhiều nhà đầu tư sợ như sợ bệnh “ung thư”. Trong bài này chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem FOMO là gì mà nhà đầu tư nào cũng sợ?
Khái niệm
FOMO (Fear of missing out) là hội chứng sợ bị bỏ lỡ. Một trạng thái tâm lý nảy sinh khi trong tiềm thức bị dẫn lối bởi suy nghĩ “mình phải làm ngay thôi, nếu không thì sẽ bỏ lỡ cơ hội mất”.
Hội chứng FOMO trong đầu tư chứng khoán
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho hiện tượng tâm lí này nhưng có thể gói gọn trong 3 nguyên nhân chính sau đây:
- Lòng tham: Ai cũng thường nói “Lòng tham con người là vô đáy” quả là không sai. Ai cũng mong muốn mình thật giàu, không chỉ vậy mà còn phải giàu thật nhanh chóng. Và ta thường có câu “Tham thì thâm”.
- Thiếu hiểu biết: Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào thì kiến thức cũng đều vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong chứng khoán thì kiến thức lại quan trọng hơn bội phần. Nếu thiếu kiến thức thì ta chỉ có “cúng” tiền cho thiên hạ.
- Dựa quá nhiều vào cảm xúc: Cảm xúc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên trong đầu tư, đặc biệt là chứng khoán, thì cảm xúc lại là kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư. Vì không dựa trên một cơ sở kiến thức vững chắc nào nên nhà đầu tư đó sẽ được gọi là “chơi theo hệ tâm linh” và đa số thì đều nhận trái đắng.
Ví dụ
Người mắc hội chứng FOMO sẽ có các biểu hiện sau:
- Khi thấy giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư sẽ nghĩ trong đầu là “À, giá tăng rồi, cổ phiếu sẽ còn đi lên đấy, lên thuyền thôi nếu không sẽ không kịp” hoặc “Đây rồi, vùng đáy đây rồi, mua thôi vì giá sẽ không giảm nữa đâu”.
- Liên tục nghe các lời phiếm hàng từ các hội group chat, group Zalo mà không có sự chọn lọc. “FLC còn tốt lắm hãy tiếp tục gom hàng vào đi anh chị”. Trong khi đó, nhà đầu tư thiếu hiểu biết thậm chí chẳng có tí thông tin nào về tình hình kinh doanh của công ty.
- Trong đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư mới sẽ có xu hướng yêu thích một cổ phiếu nào đó, có thể là do tên tuổi hay là được gợi ý cho. Chính vì thế họ sẽ hành động dựa trên cảm xúc của mình mà không suy xét một cách kỹ lưỡng.
Tác hại
FOMO gây ra các tác hại khôn lường cho nhà đầu tư:
- Có các quyết định đầu tư vội vàng: Nhà đầu tư sẽ bỏ qua các nghiên cứu, phân tích về thị trường, công ty hay các điều kiện kinh tế khác mà ngay lập tức “xuống tiền” dựa vào cảm xúc hay lời đồn hay sự mách bảo của một ai đó. Điều này khiến nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư một cách nóng vội dẫn đến dễ dàng thua lỗ.
- Đầu tư không đúng với mục tiêu tài chính của bản thân: Khi chịu tác động của FOMO, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng đặt cược hết toàn bộ tài sản mình tích góp dành cho các mục đích (học phí, nghỉ hưu, xây nhà,…). Và nếu thua lỗ thì đồng nghĩa với việc nghỉ hưu sẽ bị ảnh hưởng, việc xây nhà sẽ bị đình trệ.
- Đi vay không cần thiết: Quá tự tin vào thị trường hay bản thân, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn đi vay để đầu tư. Nhưng họ lại càng dễ gặp phải thua lỗ lớn hơn khi các quyết định đầu tư không như ý muốn và chịu áp lực từ chi phí lãi vay. Và đã có nhiều trường hợp chứng kiến vì vay nợ mà phá sản.
Tác hại khôn lường cho nhà đầu tư nếu “dính” FOMO
Giải pháp
Để tránh tâm lý FOMO khi tham gia đầu tư chứng khoán, chúng ta có thể áp dụng các cách đơn giản sau:
- Tìm hiểu thật kỹ về thị trường và cổ phiếu mà chúng ta tham gia: Kiến thức là vô tận. Do đó, nhà đầu tư hãy dành nhiều thời gian nghiên cứu và tích góp kinh nghiệm. Tránh đầu tư theo những lời “phím hàng” của người khác hay lựa chọn các cơ hội đầu tư một cách vội vàng.
- Tỉnh táo, kiên định và có quy tắc giao dịch: Hãy kiên định với bản thân và những kế hoạch đã đề ra, tránh bị dao động bởi môi trường hay các nhà đầu tư khác xung quanh. Khi tham gia vào thị trường, nhà đầu tư nên có cho mình một bộ quy tắc giao dịch và hãy luôn tuân theo một cách chặt chẽ.
- Kiềm chế lòng tham: Cảm xúc là đối thủ lớn nhất trong đầu tư. Khi đưa ra một quyết định đầu tư nào cũng không nên có mặt của cảm xúc. Mọi quyết định đầu tư nên được nhà đầu tư dựa trên những phân tích kỹ lưỡng, quy tắc giao dịch của bản thân, tránh mua-bán theo trạng thái của tâm lý.
0 Bình luận