Thiên lệch nhận thức - Hindsight Bias

Kết quả của một sự việc là sự tương tác giữa nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kết quả đó không nằm ngoài dự đoán của họ. Liệu có đúng như vậy? Sự thật sẽ khiến chúng ta bất ngờ.

Khái niệm

Thiên lệch nhận thức muộn là một hiện tượng tâm lý mà một người đánh giá cao khả năng dự đoán của bản thân đối với một tình huống đã xảy ra. Nhưng thật sự khi đặt bản thân trong lúc tình huống đó đang diễn ra thì họ lại không thể có được dự đoán chính xác. 

Trên thị trường tài chính không ít người khi nhìn lại các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, họ cảm thấy rất nhiều tính hiệu đã xuất hiện và kết quả của các sự kiện đó là điều dĩ nhiên và không khó để đoán định. Lạ ở chỗ một người mang niềm tin chắc chắn rằng mình có thể dự đoán tương lai, trong thời điểm hiện tại với những số liệu, báo cáo, thống kê,… từ nhiều nguồn khác nhau. Đa phần người này thường tỏ lưỡng lự và cảm thấy bối rối khi được hỏi về tình hình kinh tế, tài chính sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới, khác hẳn với thái độ đắc ý trước đó.

Nguyên nhân 

Chúng ta có khuynh hướng bóp méo trí nhớ về những gì diễn ra trong quá khứ nhằm củng cố cho niềm tin của bản thân. Bộ não hướng ta tập trung vào những dấu hiệu, sự việc dẫn đến kết quả hiện tại, đồng thời tránh né đi vô vàng yếu tố ta không thể kiểm soát.

Sự nhầm lẫn về tính dễ lý giải và dễ dự đoán. Khi biết được kết quả sự việc ta dễ dàng  xâu chuỗi các sự việc ủng hộ kết quả đó, điều này mang đến cảm giác sự việc này thật dễ đoán. Khi bạn vớ ngẫu nhiên một nhà đầu tư trên thị trường và hỏi anh ta về một sự kiện lớn nào đó trong quá khứ như: khủng hoảng tài chính 2008 , chiến tranh thương mại Mỹ – Trung 2018,… đa phần sẽ giải thích vô cùng tường tận và nói rằng bản thân anh ta đã biết trước những sự kiện đó sớm muộn cũng xảy ra. 

Cái tôi bản thân. Người ta thường có chung suy nghĩ bản thân thật tài giỏi khi dự đoán trước được kết quả của sự việc, đặc biệt là những sự việc quan trọng. Điều này khiến ta tin rằng mình đã có thể dự đoán được các sự việc đã xảy ra.

Ví dụ

Khi kết thúc một bài kiểm tra hay một kỳ thi, nhiều người không thật sự hài lòng khi xem kết quả bài làm của mình và cho là bản thân có thể làm tốt hơn. Họ nghĩ rằng với những dữ liệu từ đề bài cùng với cảm tính của bản thân trong lúc làm bài rõ ràng họ có thể biết chắc chắn đâu là đáp án đúng nhất cho câu hỏi trong bài.

Sau bong bóng DotCom vào cuối thập niên 90 và khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã ra sức chứng minh những sự kiện bình thường ở thời điểm trước đó thực ra chính là “điềm báo” cho khủng hoảng trong tương lai.

Trên thị trường chứng khoán, khi chứng kiến sự tăng trưởng hàng chục lần của một số cổ phiếu không ít nhà đầu tư cảm thấy cực kỳ tiếc nuối. Những nhà đầu tư này cho rằng trước khi cổ phiếu tăng có những tín hiệu từ cơ bản cho đến kỹ thuật đã được đưa ra.

Tác hại

Thiên lệch nhận thức muộn khiến một người cảm thấy tự tin thái quá, cho rằng bản thân có thể dễ dàng biết trước kết quả của sự việc xảy ra. Điều này vô cùng nguy hiểm đối với nhà đầu tư trên thị trường; dần dần họ trở nên chủ quan, phân tích, đánh giá một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm đối với khoản đầu tư cũng như tài sản của mình.

Tác hại của Thiên lệch nhận thức muộn

Nhận thức sai lệch về tính nguyên nhân kết quả của một sự việc làm mất đi khả năng nhìn nhận khách quan, toàn diện nhằm phát huy những điều tích cực và hạn chế những tiêu cực mà sự việc đó mang lại. Nếu không thoát khỏi thiên lệch nhận thức muộn, lâu dần người ta sẽ thui chột đi khả năng nhìn nhận chuẩn xác về một vấn đề hay sự việc và đối với những nhà đầu tư thì thua lỗ khi tham gia trên thị trường tài chính là điều dễ hiểu.

Giải pháp

Ghi chép diễn biến sự việc quan tâm một cách chuẩn xác, công tâm. Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao tiến trình của một sự việc quan trọng và ghi chép cách mà nó diễn ra cùng với đó là cách mà bản thân có những suy nghĩ như thế nào và phản ứng ra sao xuyên suốt tiến trình. Đến khi sự việc đó kết thúc ta có thể có được góc nhìn tương đối bao quát, và tránh được bẫy thiên lệch nhận thức muộn.

Đánh giá, giải thích và đưa ra kết luận về sự việc dựa trên nhiều góc nhìn khác nhau. Nếu chỉ đứng trên một điểm để quan sát một sự việc, bản thân sẽ chỉ cố tìm kiếm những luận điểm, ngụy biện bồi đắp cho quan điểm chủ đạo mà tính chính xác thì còn mơ hồ. Khi đặt bản thân vào nhiều lăng kính khác nhau ta mới có thể hiểu rõ được sự việc một cách tương đối tường tận, sáng suốt. 

 Tham khảo: https://vietcetera.com/vn/hindsight-bias-co-that-ngay-tu-dau-ban-da-thay-truoc-ket-qua


0 Bình luận

Để lại một bình luận

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Here can be your custom HTML or Shortcode

This will close in 0 seconds