Cách xem Bảng giá Chứng khoán

(Phần I)

Bài viết nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cho những ai bước đầu làm quen với thị trường chứng khoán, một thị trường khá sôi động ở nước ta hiện nay. Khi tiếp xúc với chứng khoán, chúng ta sẽ phải thường xuyên “đối mặt” với Bảng Giá Chứng Khoán Điện Tử. Và để hiểu hết những gì Bảng Giá thể hiện thì đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Để giúp những bạn có đam mê về chứng khoán rút ngắn được thời gian nghiên cứu, bài viết sẽ giải thích từ cơ bản đến chi tiết những gì mà các bạn nhìn thấy trên Bảng Giá Điện Tử.

Ta có 3 sàn giao dịch chứng khoán như sau: HOSE-SHSHNX-SHSUPCoM-SHS (Ở đây, ta sẽ dùng bảng giá chứng khoán của 1 Công ty Chứng khoán là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Các bảng giá Công ty Chứng khoán khác có thể có một chút sai khác, nhưng có thể dùng tạm bảng giá này để tìm hiểu về bảng giá chứng khoán chung). Dưới đây là một số thông tin cơ bản và cách xem:

– Thời gian giao dịch chứng khoán là từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ theo quy định), hàng ngày với sàn HNX – Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội: 09h – 11h30 và 13h – 14h45. Còn với sàn HOSE – Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh: 9h – 11h30 và 13h – 14h45 (mới được chỉnh lại và ngang với sàn HNX).

– Sàn HNX được chia làm 2 phiên: phiên giao dịch liên tục (9h – 11h30 và 13h – 14h30) và phiên đóng cửa (14h30 – 14h45), còn với sàn HOSE thì chia làm 3 phiên: phiên mở cửa (9h – 9h15), phiên khớp lệnh liên tục (9h15 – 11h30 và 13h – 14h30) và phiên đóng cửa (14h30 – 14h45). Trong đó phiên 2 của HOSE giống với cách thức giao dịch phiên 1 của HNX. Phiên đóng cửa và phiên mở cửa còn được gọi dưới tên chung là phiên khớp lệnh định kỳ.

– Biên độ dao động: với sàn HNX là 10%, còn sàn HOSE là 7%. Ví dụ: nếu một cổ phiếu trên sàn giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu thì với sàn HNX giá trần sẽ là 11.000 đ/cp và giá sàn sẽ là 9.000 đ/cp. Chúng ta có thể giao dịch trong dải giá từ 9.000 đ/cp đến 11.000 đ/cp. Với sàn HOSE thì giá trần lại chỉ là 10.700 đ/cp, giá sàn là 9.300 đ/cp và dải giá giao dịch là 9.300 đ/cp đến 10.700 đ/cp.

– Mệnh giá và đơn vị giá giao dịch: mệnh giá giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ theo quy định của Luật Chứng khoán Việt Nam là 10.000 đồng / đơn vị (Cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ). Đơn vị giá giao dịch là bội số của 100 đồng tức là có 9.800 đ/cp, 9.900 đ/cp, 10.100 đ/cp,… nhưng không có 10.050 đ/cp. Đơn vị khối lượng giao dịch là bội số của 100 cp với sàn HNX và 10 cp với sàn HOSE (Tức là phải đặt mua bán 100 cp, 200 cp, 300 cp, … với sàn HNX và 10 cp, 20 cp, 30 cp, … của sàn HOSE). Lúc giao dịch trên bảng giá chứng khoán cũng sẽ hiện theo cách đặt giá và khối lượng theo cách trên.

– Giá tham chiếu: giá tham chiếu phiên hôm nay được xác định trên cơ sở 15 phút giao dịch cuối cùng của phiên ngày hôm qua. Với sàn HOSE thì chính là giá đóng cửa phiên 3 (khá dễ dàng). Với sàn HNX thì chính là giá bình quân gia quyền của 15 phút cuối cùng (14h – 14h15). Ví dụ với sàn HNX: giả sử 15 phút cuối có 3 lệnh giao dịch khớp thành công là 1.000 cp giá 9.800 đ/cp, 2.500 cp giá 10.100 đ/cp và 1.000 cp giá 10.200 đ/cp thì giá bình quân đóng cửa sẽ là (1.000 x 9.800 + 2.500 x 10.100 + 1000 x 10.200 ) / (1.000 + 2.500 + 1.000) = 10.055 đồng / cp và phải làm tròn lên thành 10.100 đồng /cp. Như vậy đây chính là giá tham chiếu của ngày mai với giá trần là 11.100 đ/cp và giá sàn là 9.100 đ/cp.

– Room nhà đầu tư nước ngoài: quy định của Luật thì tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 49% số cổ phần đang lưu hành trên thị truờng của các Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ví dụ: mã chứng khoán AAA của Công ty CP Nhựa và Môi trường Xanh An phát có vốn điều lệ 99 tỷ đồng, với mệnh giá 10.000 đồng / cp thì tương đương 9.900.000 cổ phiếu thì tổng room 49% mà nước ngoài được phép sở hữu sẽ là 4.851.000 cổ phiếu. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 24/08/2012 thì AAA vẫn còn room thừa là 3.691.400 cổ phiếu, tức là nhà đầu tư nước ngoài đang nẵm giữ 1.159.600 cổ phiếu (11,7% công ty AAA).

– Các lệnh đặt mua bán, sửa hủy chỉ có giá trị trong 1 ngày giao dịch, cuối ngày giao dịch sẽ được tự động hủy hết. Qua ngày giao dịch tiếp theo lại bắt đầu lại từ đầu.

– Nhìn chung, mỗi công ty chứng khoán đều có bảng giá của riêng mình và treo link xem bảng giá ở ngay trang chủ của website công ty mình, vẫn có những nét khác nhau, ưu nhược điểm nhất định, nhưng về cơ bản là giống nhau, cùng nhận dữ liệu từ Sở giao dịch trả về. Với máy tính thì ta nên xem bảng giá nội bộ từ chính công ty, còn với điện thoại di động thì nên xem bảng giá của SHS. Các bạn cũng có thể xem bảng giá này, khá đầy đủ. Vào website của Công ty Chứng khoán SHS www.shs.com.vn:

 – Bấm vào mục Bảng giá trực tuyến chọn 01 trong 03 sàn (HOSE-SHSHNX-SHSUPCoM-SHS), ở đây bài viết sẽ chọn HNX của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (UPCoM là sàn giao dịch của Công ty đại chứng chưa niêm yết, với tiêu chuẩn niêm yết rất thấp và do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý). Sau đó bảng giá chứng khoán của sàn HNX sẽ hiện ra như  sau:

 – Theo bảng trên thì thứ tự chứng khoán sẽ được sắp xếp theo thứ tự ABC. Ngoài ra, với một số mã bạn quan tâm, bạn cũng có thể tick note vào phần bên trái mã chứng khoán thì mã đó sẽ được treo lên đầu, để tiện theo dõi, vì thường mỗi người sẽ theo dõi một số mã nhất định mà họ tâm.

– Trong bảng trên có nói đến phần dư mua, dư bán. Đó chính là phần chào mua và chào mua bán của cả 2 bên mua bán, trong đó có Khối lượng và giá 1, 2, 3. Ở đây, 1 có nghĩa là giá tốt nhất, 2 là giá tốt thứ 2 và 3 là giá tốt thứ 3, còn khối lượng là tương ứng với giá 1 2 3 đó. Với người bán thì giá tốt nhất luôn là giá cao nhất, vì người bán luôn muốn tìm người mua cao nhất, được giá nhất để bán và ngược lại cũng thế, trong vai trò là người mua thì ta luôn muốn tìm người bán thấp nhất để mua có lợi nhất. Vì có rất nhiều người còn chưa rõ phần này, nên ở đây ta sẽ lấy một ví dụ khá “bình dân” một chút để giải thích cho cách sắp xếp bảng giá chứng khoán như trên. Trong vai một người đi mua thịt ở chợ, hỏi một vòng ta thấy có 3 hàng bán thịt bán các giá như sau: 15.500 đồng/kg; 16.000 đồng/kg và 16.500 đồng/kg. Giả sử các điều kiện khác là không đổi, chỉ có giá là khác nhau. Vậy một lẽ thông thường, ta là người đi mua sẽ chọn giá thấp nhất 15.500 đồng/kg, nếu mua nhiều, hết giá đó thì sang hàng tiếp theo là 16.000 đồng/kg và tiếp nữa là 16.500 đồng/kg. Như vậy, ở phần dư bán, người bán giá thấp nhất là tốt nhất cho thị trường, và được ưu tiên nhất khi người mua tìm đến, gọi là số 1. Tiếp đó là số 2 (16.000 đồng/kg) và sau đó mới đến số 3 (16.500 đồng/kg). Như vậy đó là người đi mua, còn người đi bán cũng thế, phải tìm người nào mua cao nhất (có lợi nhất cho mình). Như vậy cách sắp xếp 1 2 3 nói trên là xuất phát từ nguyên lí thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Một lưu ý cần nói thêm ở đây là việc khớp lệnh thành công chỉ có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách: hoặc là người bán bán xuống người mua đang chào mua (dư mua) hoặc người mua mua lên người bán đang chào bán (dư bán). Và số dư như ta thấy ở phần dư mua hay dư bán trên bảng là đóng vai trò bị động, tức là chờ người bán bán xuống hoặc người mua mua lên. Nếu chúng ta nghĩ rằng tí nữa giá xuống thì chúng ta treo vào dư mua, để chờ người bán bán xuống hoặc nếu chúng ta nghĩ tí thị trường lại lên thì chúng ta nên mua thẳng lên người bán đang treo ở phần dư bán.

Phần khớp lệnh nằm ở giữa dư mua và dư bán chính là lần khớp lệnh thành công gần nhất của thị trường, với một bảng giá đã đóng cửa thế này, đó chính là giao dịch cuối cùng trong ngày.

Trần Sàn TC (Tham Chiếu): như giải thích phía trên.

Màu sắc: vàng là giá tham chiếu, xanh lá cây là giá tăng so với giá tham chiếu, tím là giá trần, đỏ là giá giảm so với tham chiếu và xanh da trời chính là giá sàn. Nhìn chung qua chuyển động của màu sắc chúng ta có thể cảm nhận được sự dịch chuyển lên xuống chung của thị trường rất rõ (tính dao động).

Cao thấp TB (Trung Bình): chính là giá cao nhất khớp trong ngày, giá thấp nhất khớp trong ngày và giá trung bình gia quyền trong cả ngày. Một điểm đáng tiếc của SHS là giá bảng giá không tính được giá cơ sở dựa trên bình quân 15 phút cuối cùng để làm cơ sở tính giá tham chiếu ngày hôm sau (Chúng ta có thể sang nơi khác xem cái này).

– Đơn vị trong bảng của SHS: với giá họ bớt đi 3 số 0, ví dụ giá tham chiếu của AAA là 16.2 thực ra hiểu là 16.200 đồng. Với khối lượng thì họ bớt đi 1 số 0, ví dụ như ở phần dư mua giá tham chiếu (giá 3 và KL 3) 16.2 thì dư mua ở đó là 520 thực ra hiểu là dư mua 5.200 cổ phiếu.

Tổng KL: chính là tổng khối lượng đã khớp tới thời điểm xem, ở đây hết giờ nên xem là tổng khối lượng của cả ngày, ví dụ AAA trong ngày 24/08/2012 đã khớp 44.970 tức là 449.700 cổ phiếu.

– KL mua, KL bán: chính là tổng lệnh mà 2 bên mua bán đã thực hiện đưa vào thị trường (bao gồm cả các lệnh khớp rỗi lẫn các lệnh đang treo trên bảng cũng như cả sau bảng giá).

– SL mua, SL bán: chính tổng số lệnh mà 2 bên mua bán đã tung vào thị trường (bao gồm cả các lệnh khớp rỗi lẫn các lệnh đang treo trên bảng cũng như cả sau bảng giá). Ví dụ bạn đặt mua 2 lệnh AAA 1.000 giá 16.2 và 2.000 giá 16.3 thì có nghĩa là SL mua tăng lên 2 đơn vị. Ở đây, trong ngày 24/08/2012, với mã AAA đã có 396 lệnh mua và 313 lệnh bán được đưa vào thị trường.

– NN mua, NN bán, Room: chính là số lượng nước ngoài đã mua, nước ngoài đã bán và room còn lại nước ngoài còn được phép mua. Với AAA ngày 24/08/2012, thì nước ngoài đã mua 6.400 cổ phiếu, bán ra 5.000 cổ phiếu và Room còn lại được phép mua là 3.691.400 cổ phiếu.


– Lệnh ATO, ATC: đây là các lệnh được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ (Phiên 1 và 3) ở sàn HOSE, với hàm ý là khớp lệnh theo giá khớp của phiên, thứ tự ưu tiên của lệnh ATO và ATC được xếp trên cả lệnh đặt giá cụ thể thông thường khi so khớp, điều này đặc biệt ý nghĩa khi cần đua lệnh mua giá trần hay đưa lệnh bán giá sàn, trong đó lệnh ATO (O là open) sở dụng trong phiên 1 – Phiên mở cửa, hết phiên 1, nếu lệnh ATO cũng không khớp (Trường hợp tranh mua) thì lệnh này cũng tự hủy, lệnh ATC (C là close) sử dụng trong phiên 3 – Phiên đóng cửa, giá của phiên đóng cửa này sẽ là cơ sở cho giá tham chiếu của ngày giao dịch tiếp theo. Bài viết sẽ giải thích sau về công dụng của lệnh này trong bài gần nhất (gồm cả lệnh thị trường MP trong phiên 2).

Về phiên định kỳ tại HOSE: Như đã trình bày ở phần trên, trong một ngày giao dịch ở trên sàn HNX, được chia làm 2 phiên: phiên 1 là phiên giao dịch liên tục được thực hiện từ 9h – 11h30 và 13h – 14h30; và phiên 2 là phiên giao dịch định kỳ xác định giá đóng cửa (14h30 – 14h45), còn sàn HOSE, thì chia thành 3 phiên, trong đó phiên 2 cũng giao dịch liên tục giống như sàn HNX. Còn phiên 1 (9h – 9h15) và phiên 3 (14h30 – 14h45) giao dịch theo phương thức khớp lệnh định kỳ, tức là 2 bên mua bán liên tục đưa lệnh vào nhưng không khớp ngay lập tức giống như phiên liên tục, đặt tới đâu khớp tức thì tới đó, mà sẽ theo cơ chế giống đấu thầu đấu giá, hai bên liên tục treo lệnh mua bán vào (gồm cả lệnh ATO, ATC), kết thúc 15 phút, sẽ có một giá chung duy nhất theo nguyên tắc mà tại đó khối lượng khớp lệnh mua bán gặp nhau là cao nhất, hiểu nôm na giống như đấu thầu đấu giá hai bên chào lệnh nhau, cuối cùng “mở bát” xem ai chào giá tốt nhất thì sẽ khớp và trao đổi.

Về cơ bản, bài viết đã giải thích xong. Còn chi tiết, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ trong số kế tiếp.

(Tác giả: Pierpont Bui)


0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Here can be your custom HTML or Shortcode

This will close in 0 seconds