Thiên nga đen được coi là một hiện tượng xảy ra trong nền kinh tế, có tác động tiêu cực đến nền kinh tế đặc biệt là thị trường tài chính. Và đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Khái niệm
Thuật ngữ “thiên nga đen” được phổ biến bởi Nassim Nicholas Taleb, một giáo sư tài chính, tác giả và cựu thương nhân Phố Wall. Và hiện tượng “thiên nga đen” được xem như là một sự kiện xảy ra bất ngờ mà ít người có khả năng lường trước được. Đó là một sự kiện không thường xảy ra, nhưng một khi đã xảy ra thì lại mang hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Ví dụ
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã gây ảnh hưởng đến toàn nhân loại bắt nguồn do sự sụp đổ của thị trường nhà đất tại Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Đây là một sự kiện mà ít ai có thể lường trước được nhưng mang lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Hay “Bong bóng Dotcom” xảy ra vào năm 2001. Trước thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ đang trải qua một thời kỳ ổn định và phát triển thế nên chẳng ai có thể ngờ rằng thời cuộc lại diễn biến như thế.
Thiên nga đen – sự ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư
Con người thường có xu hướng chủ quan, tự tin thái quá và thậm chí là thờ ơ với những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nếu như một nền kinh tế kinh tế đang trải qua một thời kỳ phát triển ổn định thì con người thường quên mất khả năng nó có thể sụp đổ vào ngày mai – điều đó đã gây nên hiện tượng “thiên nga đen”.
Đồng thời sau khi xảy ra hiện tượng “Thiên nga đen”, những người tham gia thị trường luôn cố gắng dùng hiện tượng “Thiên nga trắng” (những hiện tượng có thể dự đoán trước được) để giải thích nó. Mặc dù đôi khi những hiện tượng đó chẳng liên quan gì đến nhau. Và do đó, ở thời điểm này, nhà đầu tư thường sẽ có một số trường phái tâm lý như sau:
- Trước tiên là hoảng loạn với những điều tiêu cực diễn ra xung quanh mình, không biết mình nên làm gì tiếp theo. Do đó, những nhà đầu tư này thường có quyết định nhanh vội dẫn đến những quyết định đầu tư sai.
- Ở giai đoạn này, một số nhà đầu tư cũng có thái độ lạc quan thậm chí là chủ quan. Họ tin rằng những tin tức xấu đó rồi sẽ qua đi, rồi giá cổ phiếu sẽ lại lên. Thế nên, những nhà đầu tư đó thường tiếp tục “gồng” lỗ, không chịu chấp nhận mình thua.
Hậu quả
Một khi con người không làm chủ được tâm lý, cảm xúc của mình trên thị trường chứng khoán thì sẽ mang lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những tâm lý như thờ ơ với thời cuộc, luôn lạc quan quá mức sẽ dẫn đến những quyết định đầu tư sai lệch. Đối với những nhà đầu tư chỉ giao dịch với số vốn nhỏ thì có thể chỉ ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc sống của họ. Thế nhưng chúng ta cũng đã không ít lần chứng kiến những nhà đầu tư thậm chí bán cả nhà cửa, đất đai, xe cộ,.. để tham gia thị trường chứng khoán với mong muốn kiếm được một mức lợi nhuận khủng. Thậm chí, có một số người lựa chọn cách làm lại cuộc sống ở một thế giới khác.
Giải pháp
Tuy đây là một hiện tượng khó có thể dự đoán trước nhưng chúng ta vẫn có những biện pháp để giảm thiểu mức rủi ro. Đầu tiên, “không bỏ trứng vào một giỏ”. Đây có lẽ là nguyên tắc mà nhà đầu tư nào cũng nắm rõ. Chúng ta phải đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro hoặc có thể xem xét đến các loại tài sản khác nhau cổ phiếu, trái phiếu, hay một số loại tài sản an toàn hơn như vàng…
Thứ hai, luôn chuẩn bị, lường trước cho một sự kiện “Thiên nga đen” sẽ xảy ra.
Thứ ba, phải có một thái độ tâm lý vững vàng trước những diễn biến của thị trường. Không nên nóng vội đưa ra những quyết định mà dẫn đến sai lầm trong đầu tư.
Cuối cùng, đặt ra cho mình các mục tiêu về quản trị rủi ro trong bất kì hoàn cảnh nào. Đúng thật là trong dài hạn, giá cổ phiếu rồi sẽ tăng lên, nhưng chúng ta không biết chính xác được đó là thời điểm nào. Vì thế, chúng ta có thể chấp nhận thua lỗ, và tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác trong thời gian đó.
Người viết: Cao Yến Nhi
Tham khảo:
Hiện tượng “thiên nga đen” là gì?
Lý thuyết thiên nga đen – Wikipedia tiếng Việt
Dotcom và Bong bóng Dotcom (Dotcom Bubble) là gì?
Hiện tượng thiên nga đen (Black Swan) trong nền kinh tế là gì?
0 Bình luận