Hình Ảnh

Contact Information
Facebook Icon Link

Kết nối với chúng tôi

ngay hôm nay

Trong khi quyển tạp chí này có giới hạn về số trang thì những vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học (NCKH) chỉ bị giới hạn về nguồn lực của người thực hiện mà thôi! Tôi tin bạn đang có những quan tâm nhất định về NCKH, bằng chứng là bạn đã đọc đến đây, vậy thì với giới hạn là số trang cho chuyên mục này, tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về NCKH theo một cách nhìn đa chiều và khách quan nhất. Khi nhận viết về vấn đề này, tôi cũng đã thực hiện một vài bài NCKH và trong phạm vi kiến thức của mình, tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm thực tế về NCKH ở phần cuối, còn bây giờ chúng ta sẽ tiếp cận NCKH theo một tuần tự phù hợp.

WHAT? – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÀ GÌ?

Để một bài NCKH đạt chất lượng cao thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, điều kiện tiên quyết là chúng ta cần hiểu rõ bản chất của NCKH là gì, khi nắm được những nguyên tắc cơ bản thì việc nghiên cứu sẽ thuận lợi và chính xác hơn. Có nhiều định nghĩa khá dài dòng về NCKH từ các tài liệu tôi đã tham khảo, tóm gọn lại thì NCKH được hiểu như sau: “Nghiên cứu khoa học là quá trình vận dụng các ý tưởng, lý thuyết và phương pháp khoa học để đưa ra giải pháp cho vấn đề cần nghiên cứu”.

Để hiểu rõ định nghĩa trên thì tôi xin lưu ý với bạn các vấn đề sau:

Nghiên cứu khoa học có hai phân mảng chủ yếu đó là nghiên cứu cơ bản (NCCB)nghiên cứu ứng dụng (NCƯD). Trong khi mục đích của NCCB là đưa ra luận cứ chứng minh cho vấn đề nào đó thì NCƯD là việc trình bày cơ sở cho việc tìm ra cách giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Từ đây chúng ta có thể thấy, NCCB làm nền tảng cho NCƯD tìm ra kiến thức mới và tiếp đó, NCCB lại khẳng định tính đúng đắn của kiến thức này để NCƯD tìm ra những kiến thức khác. Vòng lặp này cứ thế tiếp diễn và tạo ra nhiều kiến thức mới để khai thác nguồn lực trên Trái Đất này một cách hiệu quả hơn. Vì vậy, NCKH chính là việc kết hợp NCCB và NCƯD.

Quá trình vận dụng: như tôi đã đề cập ở trên, NCKH là sự vận dụng kết hợp NCCB và NCƯD, không phải áp dụng, mà mục tiêu cuối cùng của NCKH là có thể ứng dụng nó vào thực tế. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu NCKH mà không thể dùng được thì đây là một điều lãng phí vô cùng lớn. Tôi nhấn mạnh chữ giải pháp trong định nghĩa trên vì lý do này, trong chữ giải pháp đã bao gồm các kết quả, nhận xét và dự báo cho vấn đề được nghiên cứu.

Một NCKH tốt không thể thực hiện chớp nhoáng mà cần đầu tư khối lượng thời gian và nguồn lực khá nhiều cho các ý tưởng, lý thuyếtphương pháp khoa học.

Ngoài ra, NCKH còn có sự khác nhau tương đối giữa những chuyên ngành và lĩnh vực cụ thể. Lấy ví dụ, đối với khối ngành kỹ thuật – công nghệ, đối tượng nghiên cứu khoa học có thể là những thiết bị, các chất hoá học, hiện tượng vật lý,… những đối tượng này sau một quá trình nghiên cứu có thể đưa ra thí nghiệm, thực nghiệm trên một phạm vi nhất định, nghĩa là, việc thử nghiệm sẽ được xúc tiến tương đối nhanh. Còn đối với khối ngành kinh tế – tài chính? Đối tượng của NCKH ở đây lại là những chỉ tiêu, chính sách vi mô, vĩ mô hoặc các lý thuyết kinh tế còn tranh cãi… Mà những chính sách hay trường phái kinh tế thì phần nhiều mang tính chủ quan bởi vì không có lý thuyết kinh tế nào hoàn hảo cho mọi thị trường cả. Chính vì vậy, ở các nước khác nhau sẽ có những quan điểm kinh tế khác nhau phù hợp với hoàn cảnh của đất nước đó và nó thường được sử dụng với một khoảng thời gian rất dài, trong khi việc điều tiết nền kinh tế chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây suy sụp cả đất nước ngay lập tức, cho nên những NCKH trong khối ngành kinh tế – tài chính thường rất khó áp dụng ngay và phần nhiều mang tính chất khuyến nghị, nhất là ở các nước đang phát triển.

Bài viết này thiên về đối tượng là sinh viên ở các trường khối ngành kinh tế nên tôi sẽ không đề cập đến việc ứng dụng NCKH vào thực tiễn.

WHY? – TẠI SAO PHẢI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC?

Theo bạn thì lý do khiến bạn bắt tay làm nghiên cứu khoa học là gì? Tôi xin liệt kê một vài ý để bạn tự đánh giá lại động cơ của mình nhé:

  • Vì đam mê.
  • Vì chưa biết.
  • Vì giải thưởng.

Tôi mạn phép phân tích ba động cơ khác nhau khi thực hiện NCKH vừa nêu.

Đối với động cơ đầu tiên, thì đối tượng thực hiện NCKH đã có những hiểu biết nhất định về NCKH rồi và thấy thích thú, say mê với công việc này. Đây là một động cơ vô cùng chân chính và cao đẹp của người làm NCKH thật sự. Họ có thể không cần biết kết quả như thế nào, không làm vì lợi nhuận, nhưng họ vẫn làm vì mục tiêu khám phá ra những kiến thức mới theo một cách bài bản (về phương pháp NCKH, tôi sẽ trình bày ở phần cuối). Có thể ví von họ là người đi tìm lẽ phải vậy.

Động cơ thứ hai rất đáng khuyến khích bởi vì họ đã bắt đầu có những quan tâm về NCKH, vấn đề là họ phải tìm ra đúng hướng đi tiếp theo và cảm nhận được vẻ đẹp của NCKH, từ đó NCKH mới khách quan và đáng tồn tại.

Động cơ sau cùng là phổ biến nhất trong giới sinh viên chúng ta, động cơ này mạnh hơn động cơ thứ hai ở chỗ nó có động lực lớn hơn, vì vậy chúng ta cũng sẽ đầu tư nhiều hơn để đạt được mục tiêu giải thưởng. Cũng chính vì có động lực lớn hơn nên nó sẽ sinh ra hai việc… nhỏ hơn: gian lận và dốc sức. Nếu bạn dốc sức để làm NCKH, chúng ta không có gì bàn thêm, nhưng nếu bạn gian lận? Điều này cũng hơi khó nói bởi vì tôi tin ít nhiều trong chúng ta đều nghĩ đến việc này khi gặp phải những vướng mắc vô cùng phức tạp, có thể huỷ hoại toàn bộ công sức của quá trình nghiên cứu, mà hầu hết đến từ vấn đề số liệu. Lúc này bạn nghĩ đến việc điều chỉnh số liệu để cho ra kết quả bài NCKH như ý, như vậy bạn đã “bóp méo sự thật” rồi, và nếu đạt giải thì bạn có hoàn toàn hài lòng với vinh dự đó? Điều này chỉ bạn mới có thể trả lời thôi!

Như vậy, động cơ NCKH ảnh hưởng đến linh hồn của bài NCKH, tôi không hề nói quá khi mà nó là sản phẩm do bạn tạo ra. Một vấn đề nữa, chúng ta cần hiểu rằng, nếu không có NCKH thì mọi thành tựu, phát minh trên thế giới này chỉ là cảm tính và hư cấu? Nếu không làm NCKH thì mọi vấn đề sẽ giải thích trên cơ sở “niềm tin”?

Một quốc gia giàu mạnh ở thế kỷ XI phải là một quốc gia biết sử dụng nền kinh tế tri thức, tôi khẳng định như vậy, bởi vì nguồn lực trên Trái Đất có giới hạn và đang khan hiếm dần khi mà dân số ngày càng tăng (hiện nay đã hơn 7 tỷ người!), nếu chúng ta sống như thời kỳ trước thì những gì chúng ta khai thác là 100 nhưng chúng ta chỉ biết cách sử dụng có 10 phần, 90 phần còn lại chúng ta thải đi, và phần này sau đó sẽ vô tác dụng hoặc giảm giá trị rất nhiều. Bởi vậy, dùng tri thức để khai thác tốt nguồn lực chính là mục đích của việc NCKH.

WHO? – ĐỐI TƯỢNG CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC?

Ở đây tôi muốn đề cập đến hai việc: đối tượng thực hiện NCKH và đối tượng NCKH tác động tới. Một cách hiểu đơn giản: mọi người có quan tâm và đủ trình độ làm nghiên cứu chính là đối tương thực hiện NCKH, trong khi đó NCKH tác động đến mọi vấn đề. Chung ta có thể hình dung được sự chênh lệch quá lớn giữa đối tượng thực hiện NCKH (con người) và đối tượng tác động của NCKH (mọi việc).

WHERE and WHEN? – NƠI TIẾP NHẬN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC?

Theo những hiểu biết của tôi ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh thì có những cuộc thi sau sẽ tiếp nhận NCKH của bạn:

        • Các trường đại học trên toàn quốc có phát động phong trào NCKH.
        • Cuộc thi Nhà kinh tế trẻ cấp bộ: liên hệ tại trường bạn.
        • Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka (website chính thức: http://www.khoahoctre.com.vn/eureka/#/mainpage).
        • Thời gian nhận đề tài: thường vào cuối tháng 9 hàng năm.
        • Cuộc thi UEH500 (riêng đối với các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM): https://www.facebook.com/UEH500AWARD.
        • Thời gian nhận đề tài: thường vào cuối tháng 10 hàng năm.
        • Nghiên cứu hè SFR (riêng đối với các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM): http://sfr.vn.
        • Thời gian nhận đề tài: vào khoảng giữa tháng 7 hàng năm.
        • SCUE Seminar (riêng đối với các bạn sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM): http://www.scue.vn.
        • Thời gian nhận đề tài: vào khoảng đầu tháng 2 hàng năm.

HOW? – PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN NCKH?

Nội dung phần này rất rộng và phức tạp, chỉ khi bạn bắt tay vào làm NCKH bạn mới hiểu được những vấn đề phát sinh của nó. Với tính chất như vậy, tôi xin trình bày với bạn những nội dung cô đọng nhất và cuối cùng là những kinh nghiệm thực tiễn khi làm bài NCKH như tôi đã đề cập.

Quy trình thực hiện NCKH gồm 5 bước cơ bản sau:

        • Xác định vấn đề nghiên cứu.
        • Xây dựng lý thuyết nền.
        • Xây dựng phương pháp nghiên cứu.
        • Kiểm định.
        • Kết luận.

Cụ thể:

Xác định vấn đề cần nghiên cứu:

  • Bất kỳ ý tưởng nào, đối tượng nào muốn nghiên cứu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
  • Có những hiểu biết nhất định về vấn đề cần nghiên cứu.
  • Tiêu chí lựa chọn vấn đề (cũng là đề tài) nghiên cứu: phù hợp, thực tiễn, có quy mô.

Xây dựng lý thuyết nền:

  • Xác định những lý thuyết khoa học chính thức, được thừa nhận rộng rãi có thể dùng để phục vụ cho việc phân tích đối tượng nghiên cứu.
  • Thu thập, đọc hiểu những nghiên cứu tiên phong (những nghiên cứu trước đây) đã nghiên cứu về các vấn đề tương tự để dẫn chứng cho các phân tích của mình.

Xây dựng phương pháp nghiên cứu:

  • Xác định phương pháp nghiên cứu phù hợp (thường là phương pháp định lượng) với tính chất của đối tượng nghiên cứu.
  • Xây dựng bộ dữ liệu liên quan.
  • Xác định các biến số liên quan.
  • Xác định mô hình định lượng (thường dùng) phù hợp.

Kiểm định:

  • Chạy mô hình, kiểm định các biến số.

Kết luận:

  • Đưa ra nhận xét từ kết quả chạy mô hình
  • Đưa ra định hướng, giải pháp.

Kinh nghiệm làm bài NCKH:

Nếu động cơ của bạn là làm NCKH để thi thì nên chủ động bắt đầu làm nghiên cứu ngay sau khi cuộc thi công bố.

Nên tìm một nhóm bạn phù hợp để san sẻ công việc, phản biện vấn đề và bổ sung kiến thức cho nhau. Tiêu chí chọn nhóm: kiên trì, cùng mục tiêu, tự nguyện, có năng lực (trong từng mảng, ví dụ: Kinh tế lượng, mô hình định lượng, dịch thuật, xử lý số liệu…).

Trong các giai đoạn thực hiện thì giai đoạn dịch bài nghiên cứu nền và xử lý số liệu là mất thời gian và công sức nhất, giai đoạn này nên huy động thêm người giúp đỡ nếu thấy công việc khó khăn.

Nên họp nhóm thường xuyên để thông tin cân xứng, tạo động lực cho nhau và có những kỷ niệm trong khoảng thời gian làm việc bên nhau.

Cuối cùng, tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn một cái nhìn đầy đủ hơn về NCKH và hiểu rằng: NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÀ MỘT NGHỆ THUẬT!

CHÚC BẠN SẼ CÓ NHỮNG BÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHẤT LƯỢNG.

Hải Long

0 Bình luận

Trả lời

Avatar placeholder

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *