“Nếm đủ đắng cay mới biết ngọt bùi”
“Trong chớp mắt thị trường có thể cướp đi mọi thứ của bạn” – Jim Cramer.
Đã qua rồi cái thời đem vàng chôn sâu dưới đất hay tiền được cất giấu kĩ càng trong két sắt tại nhà riêng. Nếu được hỏi, tôi sẽ thẳng thắn trả lời rằng chẳng ai muốn đồng tiền của mình đứng im tại chỗ. Tiền cũng có nhiệm vụ của nó là “đẻ” ra tiền. Khi đó người ta sẽ chọn đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,…
Nói đến cổ phiếu, chúng ta thường quen thuộc với những con người được gọi là “cò chứng khoán”. Nói một cách chính xác, có một cái nghề mà khi bỏ qua những định nghĩa cứng nhắc hay những khái niệm khô khan, người ta sẽ nghĩ ngay đến “tiền” khi nhắc tới – “môi giới chứng khoán”. Không phải tự nhiên mà nó được ưu ái gán cho cái tên mỹ miều “hoa hồng có gai”, và chỉ những người đã trải nghiệm qua mới cảm nhận được sâu sắc hương thơm quyến rũ cũng như độ nguy hiểm mà nó mang lại.
Vào khoảng thời gian đầu năm 2008 – thời kì hoàng kim của thị trường chứng khoán, ta luôn thấy nhan nhản trên mặt báo những bài viết với tựa đề như thế này: “Những khoản thưởng Tết trăm triệu của nhân viên môi giới chứng khoán” hay “Nghề vàng – chuyên viên môi giới”. Ông Jim Cramer – chuyên gia đầu tư chứng khoán, nhà quản lý quỹ, và cũng là người dẫn chương trình “Mad Money” trên đài truyền hình CNBC từng nói “Trong chớp mắt thị trường có thể cướp đi mọi thứ của bạn” . Đúng là không thể phủ nhận khi mà không lâu sau đó là những thông tin “Nhân viên chứng khoán và nỗi buồn nuối năm” cùng “Rớt giá nghề vàng môi giới chứng khoán”. Nhanh đến mức người ta còn chưa kịp xuýt xoa đã phải bàng hoàng vì sự bấp bênh của nó. Vậy tại sao vẫn có biết bao người chấp nhận “liều” để theo cái nghiệp này. Liệu mùi thơm của nó có xứng đáng để đổi lấy những vết sẹo nó gây ra?
Hoa hồng thơm, quyến rũ và đầy thách thức.
Theo một số các trang thông tin, chuyên viên môi giới chứng khoán là người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư chứng khoán thông qua việc phân tích và giải thích về phương thức hoạt động của thị trường chứng khoán, thu thập thông tin và đưa ra những khuyến nghị giúp nhà đầu tư ra quyết định nên mua hoặc bán cổ phiếu hay trái phiếu của công ty nào. Hay nói cách khác, công việc của môi giới chứng khoán là “bắt mạch” thị trường.
Nếu bạn chưa biết thì đầu tư chứng khoán được xem là một trong những cách kiếm tiền nhanh nhất. Và kéo theo đó, nghề môi giới chứng khoán cũng có những đặc thù hấp dẫn của nó. Cũng như đa số các ngành nghề khác, họ cũng nhận lương cứng từ công ty chứng khoán theo hợp đồng. Tùy vào kinh nghiệm, trình độ và tuổi nghề mà con số này có thể dao động trên dưới vài chục triệu đồng.
Ngoài ra thu nhập của một nhân viên môi giới chứng khoán đa phần là đến từ những khoản “hoa hồng” hậu hĩnh mà các nhà đầu tư bồi dưỡng cho họ sau những vụ thắng lớn. Đối với những phi vụ trị giá hàng chục tỷ đồng, con số mà họ nhận được không hề ít. Những nhà môi giới chứng khoán, ngoài công việc tư vấn khách hàng, họ cũng chính là những người đầu tư. Đối với một người có nhiệm vụ nắm bắt từng hơi thở của thị trường thì việc họ đầu tư để kiếm lợi nhuận là điều dễ hiểu. Những khoản này đôi khi cao hơn hẳn những thu nhập khác.
Như chúng ta đã đề cập, không khó để thấy những trường hợp điển hình cho cuộc sống khá thoải mái của những người hành nghề. Đối với họ, tiền là thứ có thể dễ dàng kiếm được, chỉ cần có mối quan hệ tốt, kĩ năng khéo léo, nhanh nhạy với thị trường. Nhiều nhà môi giới mới vào nghề đã phất lên nhanh chóng, nghề môi giới chứng khoán cũng vì thế mà được ví như “nghề vàng”.
Anh Nguyễn Văn Lâm – giám đốc một doanh nghiệp thương mại tại Hà Nội, chia sẻ: “Mỗi tháng tổng thu nhập của tôi tới 500 triệu đồng, mà liên tiếp như vậy trong 6 tháng. Trong khi đó, công việc lại nhàn tênh, cứ giới thiệu bên nọ, bên kia mua bán thành công là mình có tiền”. Với số tiền dễ dàng kiếm được một cách nhanh chóng, anh sống một cuộc sống xa hoa như ông hoàng, không những sắm sửa tiện nghi cho cuộc sống mà anh còn đầu tư mạnh tay hơn với mong muốn kiếm nhiều hơn mức đang có.
Trong khi đó anh Lê Mạnh Toàn – Trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán top 10 thị phần ở Hà Nội chia sẻ về khoản đầu tư của mình trong thời kì hoàng kim của thị trường chứng khoán “Ngoài môi giới, tôi còn đầu tư thêm 200 triệu đồng vào cổ phiếu, mà sáng nào tỉnh dậy cũng thấy lãi vài chục triệu đồng. Thử hỏi khi đó làm nghề gì để ra được nhiều tiền như vậy?”
Đối với một nhà môi giới giỏi, thứ mà anh ta nhận được không chỉ là tiền mà còn là địa vị xã hội. Được làm việc với những nhà đầu tư lớn, mở rộng mối quan hệ xã hội, những giá trị vô hình mà bạn nhận được đôi khi còn đáng giá hơn cả. Nghề môi giới chứng khoán gần như đòi hỏi một người có kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Để được xem là giỏi, bạn phải am hiểu sâu rộng về thị trường chứng khoán cũng như hệ thống pháp luật hiện hành, có khả năng phân tích tài chính, óc phán đoán nhanh nhạy,… Không những thế, kĩ năng trình bày, giao tiếp, thuyết phục cũng là yêu cầu hàng đầu.
Nếu bạn đã từng xem những bộ phim về chứng khoán như “Wall Street” của đạo diễn Oliver Stone chắc hẳn cũng đã hiểu ít nhiều về môi trường làm việc của một nhân viên môi giới. Không khí nơi đây năng động, gấp gáp đến nghẹt thở. Bạn chỉ cần chần chừ với cảm xúc của mình vài giây là đã bốc hơi cả một gia tài. Đó không phải là cuộc chơi dành cho người dễ xúc động hay quá cảm tính.
Những điều trên có lẽ đã đủ hấp dẫn cũng như dư thách thức để khơi dậy ham muốn chinh phục của những con người thích “lướt sóng”. Hương thơm nó mang lại đủ để ngây ngất lòng người, vậy nên người ta hiển nhiên cũng phải bỏ ra lượng công sức xứng đáng với những gì nhận được.
Thưởng thức hoa hồng, bị gai đâm là điều không thể tránh khỏi.
“Bạn có thể phải chiến đấu nhiều hơn một trận trước khi dành chiến thắng”. Đó là một trong những câu nói tôi tâm đắc của Magaret Thatcher. Chiến thắng có được dễ dàng sẽ nhanh chóng bị lãng quên, tiền kiếm được nhanh chóng sẽ dễ dàng vuột mất. Chơi chứng khoán tức là đang đặt mình vào một canh bạc. Có lúc huy hoàng thì cũng sẽ có những lúc sa cơ thất thế.
Điển hình là “chỉ trong hơn sáu tháng đầu năm 2008, VN-Index đã sụt giảm trên 60% so với thời điểm cuối năm 2007. Trong 103 phiên giao dịch của giai đoạn này, có 71 phiên VN-Index giảm điểm. Đỉnh điểm là chuỗi 34 phiên giảm liên tiếp từ giữa tháng 4/2008 tới đầu tháng 6/2008″ khiến nhiều nhà môi giới chứng khoán điêu đứng. Thị trường tuột dốc không phanh, chớp mắt một cái hàng trăm nghìn tỷ đồng đã bốc hơi, chưa kịp định hình thì đã mắt trắng. Đối lập với khi xưa được săn đón với mức lương thưởng vài chục triệu đồng, thì bây giờ họ bị ngó lớ, sa thải hàng loạt. Nhiều người còn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất với những khoản vay, kí quỹ, không thể ngóc đầu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008
Anh Phạm Ngọc Long – cựu nhân viên Chứng khoán Thăng Long vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh. “Toàn bộ tài sản của anh Long trôi dần trong sắc đỏ của cổ phiếu. Sau khi mạnh tay vay ký quỹ, cộng thêm khoản tiền huy động từ gia đình và bạn bè đổ vào chứng khoán, anh phải bán hết điện thoại, xe sang để trả nợ. Ngay cả chiếc xế hộp nhập khẩu mới cứng vừa được anh Long đặt mua từ nước ngoài về cũng phải cấp tốc sang tay để có thêm tiền”.
Nhưng liệu có phải do con sóng quá lớn để chống chọi? Dưới sức nóng của “nghề vàng” môi giới chứng khoán, các công ty chứng khoán ráo riết tuyển người với mức đãi ngộ hậu hĩnh. Mọi người đổ xô vào nghề mà không quan tâm đến những yêu cầu hay tính chất đặc thù của nó. Họ xem việc này như công việc của một nhân viên bán hàng, chỉ thuyết phục nhà đầu tư, nhận lệnh và kiểm tra tài khoản. Còn xét về khía cạnh phân tích, tư vấn vẫn chưa đạt được chất lượng cao. Tôi đồng ý với quan điểm “Thắng thua trong chứng khoán là không thể nói trước được vì còn dựa vào nhiều yếu tố khách quan” Nhưng cơn “đại hồng thủy” đã vạch ra những điểm yếu trầm trọng không thể chối cãi của bộ phận chuyên viên các công ty chứng khoán.
“Nếm đủ đăng cay mới biết ngọt bùi”- Lê Viết Hải, CEO Địa ốc Hòa Bình.
Sau bao cuộc biến động thăng trầm thì chúng ta đã thấy những dấu hiệu tích cực, nghề môi giới chứng khoán cũng đang dần quay lại ngôi vương của nó, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Con đường môi giới chứng khoán chông gai, nhưng tràn đầy cơ hội và vinh quang. Có những thứ mà trường học không dạy ta, vì vậy nếu đã có đam mê, hãy “liều mình” mà thử. Cuộc sống chính là sự khám phá bản thân qua những thử thách. Có vậy mới nhận ra đó là cái nghề hay cái nghiệp. Vì dù sao đi nữa, “Nếm đủ đắng cay mới biết ngọt bùi”. Chiến thắng sẽ đến với người biết đứng lên sau bão tố.
Cao Nữ Thùy Trang – CTV ban nội dung
Tham khảo:
Theo bài viết “Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008: Cú knock-out cuối cùng” của tác giá Nguyễn Hoàng
Theo bài viết “Kiếp đỏ đen” của nhân viên môi giới chứng khoán” của tác giả Tường Vi
BINH LUAN