MWG: Đi tìm ngôi sao mới
Theo thống kê, KQKD 6 tháng đầu năm 2019 của MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 51.727 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt 2.121 tỷ đồng.
Trong vòng 12 tháng kể từ tháng 06/2018 đến tháng 06/2019 đã có 283 cửa hàng tăng thêm. Trong đó, MWG đã tăng thêm 262 cửa hàng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 (trung bình MWG có 1,5 cửa hàng mới mỗi ngày trong 6 tháng kể từ 2019).
Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đến ngưỡng thị phần tối ưu
Theo báo cáo thường niên 2018, thegioididong.com và dienmayxanh.com thống lĩnh thị trường Việt Nam với 45% thị phần điện thoại và 35% thị phần điện máy. Chuỗi Thế Giới Di Động đang đạt mức bão hòa về thị phần khiến doanh thu trung bình chỉ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ và chuỗi Điện Máy Xanh với mục tiêu chạm 50% thị phần vào năm 2020.
Để tăng doanh thu, MWG đang thực hiện phương châm “Bán những món hàng chưa bao giờ bán, tiếp cận nhóm khách hàng chưa bao giờ tiếp cận”. Hiện tại MWG đã triển khai việc bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 34 cửa hàng. Tổng số sản phẩm bán ra trong 6 tháng là gần 11.000 chiếc đồng hồ. Thế Giới Di Động bán điện thoại kèm đồng hồ, Điện Máy Xanh bán tủ lạnh kiêm thêm cả bát đĩa, rổ rá… Những món hàng tưởng chừng như “lạc điệu” nhưng lại thu hút được rất nhiều “traffic” từ tệp khách hàng mới.
Ngoài ra MWG đang trong quá trình tái cấu trúc lại cửa hàng, chuyển đổi 47 cửa hàng Thế Giới Di Động thành Điện Máy Xanh. Mở rộng mô hình “Điện Máy Xanh Mini” có quy mô 300 – 350m2 nhưng sắp xếp hàng hóa theo mô – đun làm tăng diện tích trưng bày lên hơn 1000m2.
Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh hiện tại giống như những chú bò sữa trong ma trận BCG. Khi thị phần dần đạt đến ngưỡng tối ưu thì chi phí đầu tư thêm sẽ thấp và việc cần làm là “thu hoạch thành quả”, triển khai các chương trình thỏa mãn khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết để duy trì vị thế hiện tại.
Bách Hóa Xanh liệu có trở thành ngôi sao mới của MWG?
Năm 2003 từ 2 cửa hàng điện thoại đầu tiên, không nhiều người dự đoán vị thế của Thế Giới Di Động hôm nay. Năm 2011 MWG phát triển chuỗi Điện Máy Xanh và giờ đây đã trở thành chuỗi cửa hàng điện máy chiếm 36% thị phần. Chưa dừng lại ở đó, Thế giới di động đã tiếp tục ra “nước cờ” tiếp theo của mình từ cuối năm 2015 – Bách Hóa Xanh.
Tính từ tháng 06/2018 đến tháng 06/2019 đã có 216 cửa hàng Bách Hóa Xanh được mở mới. Tốc độ tăng trưởng 58%/năm là mình chứng rõ ràng cho việc đẩy mạnh phát triển chuỗi cửa hàng bách hóa này của MWG.
Quy mô mảng bách hóa Việt Nam 2018 là 70 tỷ USD (MBS Research) đóng góp 25% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Hiện tại thị trường chỉ tập trung ở các kênh bán hàng truyền thống như chợ truyền thống chiếm khoảng 90%, nhóm các cửa hàng tiện lợi và siêu thị chỉ nắm 10% thị phần. Đây quả thật là miếng bánh lớn, cuộc chơi lớn cho những công ty bán lẻ.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về cửa hàng, chuỗi Bách Hóa Xanh còn thực hiện chiến lược “Lấy khách hàng từ chợ truyền thống” với các mặt hàng tươi sống, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá rẻ và đặt ngay tại chợ cho khách hàng tiện vào mua.
Như một ngôi sao mới, Bách Hóa Xanh đang được MWG tập trung chiến lược để phát triển, tăng trưởng quy mô – chiếm lĩnh thị phần. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ đạt 700 cửa hàng với mục tiêu trễ nhất cuối tháng 12/2019 là bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối.
Tổng hợp khuyến nghị đầu tư
CTCK | Báo cáo gần nhất | Giá mục tiêu | % Upside |
TVSI | 21/08/2019 | 156.000 | 33.0% |
BSC | 19/08/2019 | 171.400 | 45.4% |
VCSC | 16/08/2019 | 215.000 | 86.8% |
SSI | 01/08/2019 | 160.300 | 54.6% |
KBSV | 01/08/2019 | 136.600 | 32% |
Ban Nội Dung
BINH LUAN